Cùng với sự phát triển của các công cụ tiếp thị số, nhu cầu tuyển dụng các ứng viên cho vị trí Digital Marketing ngày một tăng cao.
Đây cũng là một ngành nghề hot được nhiều bạn trẻ theo đuổi. Tuy nhiên mặc dù chuẩn bị tốt nghiệp, rất nhiều sinh viên vẫn thắc mắc không biết ra trường mình sẽ làm công việc gì và đích đến sự nghiệp của mình là ở đâu.
Hãy cùng Đức Lê Marketing tìm hiểu thêm về ngành nghề này qua bài viết sau nhé.
Digital Marketing là làm những công việc gì
Hiện nay khi theo học bộ môn Tiếp thị trực tuyến – Digital Marketing tại các trường đại học / cao đẳng, các bạn sinh viên đều sẽ được giảng viên chia sẻ cơ bản về lộ trình sự nghiệp. Các bạn cũng sẽ được tiếp xúc với lý thuyết và thực hành các công cụ có liên quan đến công việc của Digital Marketing.
Tuy nhiên, những gì các bạn tiếp thu sẽ là thông qua các môn học đơn lẻ.
Khi ra trường và công tác thực tế tại doanh nghiệp, các bạn phải vận dụng toàn bộ kiến thức đã được học phục vụ cho các công việc được giao.
Tại mỗi doanh nghiệp khác nhau, công việc của một nhân viên Digital Marketing có thể sẽ khác nhau. Tùy thuộc vào quy mô , lĩnh vực, thời điểm… mà bạn sẽ phải đảm nhiệm số lượng đầu việc phù hợp. Các công việc có thể kể đến:
- Thực hiện việc tối ưu hóa các công cụ tìm kiếm
- Triển khai nghiên cứu thị trường, nghiên cứu chân dung khách hàng, nghiên cứu đối thủ
- Lên ý tưởng, viết nội dung quảng cáo cho từng sản phẩm, từng đối tượng khách hàng, đối tượng khách hàng mục tiêu, …
- Theo dõi, phân tích, thống kê các số liệu, hiệu chỉnh và tối ưu các chiến lược quảng cáo
- Tạo dựng, xây dựng nội dung fanpage
- Quản trị và tối ưu UI/UX cho website
- Thực hiện và quản lý kênh tiếp thị, truyền thông qua email, các bản tin điện tử;
- Quản lý khách hàng trên hệ thống quản lý khách hàng CRM
- ….
Trên thực tế, khi trở thành nhân viên Digital Marketing, bạn có thể lựa chọn nhiều loại hình công việc khác nhau.
Tùy thuộc vào khả năng, kinh nghiệm và sở thích, bạn có thể bắt đầu từ vị trí đơn giản nhất. Sau đó, bạn nên rèn luyện thêm kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm cho những vị trí cao và phức tạp hơn.
Lộ trình thăng tiến của nhân viên Digital Marketing
Dựa trên quãng thời gian gắn bó cũng như những hiệu quả đạt được trong công việc, mà các bạn sinh viên Digital Marketing có thể có những lộ trình thăng tiến khác nhau trong sự nghiệp.
Có những bạn trẻ khi vừa ra trường chỉ mất 1 năm là đã có thể lên được vị trí Digital Marketing. Cũng có những bạn loay hoay 5 – 10 năm vẫn chỉ công tác ở vị trí chuyên viên.
Dưới đây là lộ trình cơ bản dành cho nhân viên tại vị trí này.
Thực tập sinh Digital Marketing
Giai đoạn này kéo dài từ 3 tháng – 6 tháng. Đây là vị trí mà các sinh viên Digital Marketing năm cuối hoặc vừa tốt nghiệp có thể dễ dàng xin vào làm.
Thông thường, khi các dự án của công ty bước vào giai đoạn cao điểm, phòng Marketing sẽ có rất nhiều đầu việc cần phải triển khai. Trong trường hợp nhân lực nội bộ mỏng, không đảm bảo được tiến độ công việc, trưởng bộ phận Marketing sẽ yêu cầu phòng nhân sự tuyển dụng thêm các thực tập sinh hoặc các cộng tác viên để hỗ trợ công việc.
Thực tập sinh Digital Marketing không yêu cầu các ứng viên phải có mặt full-time như nhân viên chính thức. Các bạn thường chỉ cần có mặt tại văn phòng nửa ngày hoặc vài ngày / tuần, hoàn toàn linh động với lịch học của sinh viên những năm cuối.
Đây cũng là cơ hội để các bạn hiểu hơn về cách vận hành của một doanh nghiệp nói chung và bộ phận Marketing nói riêng. Mặc dù mức lương được chi trả sẽ chỉ mang tính chất hỗ trợ, một vài nơi thậm chí còn không có, nhưng bạn cần quan tâm đến những thứ có giá trị hơn đó chính là kinh nghiệm và kiến thức mà bạn sẽ lĩnh hội được trong suốt quá trình thực tập và làm việc.
Chuyên viên Digital Marketing
Giai đoạn này kéo dài từ 3 đến 5 năm. Khi đã có cơ hội trải nghiệm cơ bản các đầu việc tương đối “nhẹ nhàng”, bạn đã tích lũy được một lượng kinh nghiệm vừa phải để trở thành chuyên viên Digital Marketing của doanh nghiệp.
Tại vị trí này, các bạn sẽ phải thực hiện các công việc chuyên sâu hơn về các hoạt động Marketing trên môi trường số.
Khi còn là thực tập sinh, bạn vẫn sẽ nhận được sự hướng dẫn chi tiết mang tính cầm tay chỉ việc từ những người đi trước. Tuy nhiên khi là chuyên viên, bạn sẽ chỉ được tiếp nhận mục tiêu của nhiệm vụ. Việc lập kế hoạch triển khai và thực thi sẽ phải tự thân vận động hoàn toàn.
Người trưởng nhóm hoặc các cấp quản lý sẽ giao các đầu nhiệm vụ cũng như bộ KPI để các chuyên viên Digital Marketing bám theo thực hiện.
Ngoài ra, bạn cũng hoàn toàn có quyền đưa ra các đề xuất về phương án triển khai các nhiệm vụ. Mọi người quản lý sẽ tạo điều kiện cho nhân viên của mình được đưa ra ý tưởng sáng tạo nhằm mục đích hoàn thành tốt các công việc đã đề ra.
Trưởng nhóm / trưởng phòng Digital Marketing
Giai đoạn này kéo dài từ 5 đến 7 năm.
Sau nhiều năm mài dũa về chuyên môn Digital Marketing, bạn sẽ có cơ hội được trao quyền cho các vị trí quản lý cấp trung như trưởng nhóm hoặc trưởng phòng.
Ban lãnh đạo thường lựa chọn các nhân sự cứng để bổ nhiệm vào vị trí quản lý đội nhóm Digital Marketing.
Các yếu tố được tính là điểm cộng bao gồm tố chất lãnh đạo, thành tích trong quá trình làm việc, thời gian gắn bó với công ty…
Khi lên được đến cấp bậc này, quyền lợi của bạn sẽ tăng lên đáng kể. Mức lương cũng có thể được tăng từ 50-100%.
Tuy nhiên nghĩa vụ đi kèm vị trí quản lý cũng sẽ tăng lên cùng với rất nhiều áp lực.
Bạn sẽ phải chịu trách nhiệm với ban lãnh đạo về hiệu quả làm việc của toàn đội ngũ do bạn quản lý. Từ việc thiết lập các kế hoạch lớn, đặt mục tiêu, giám sát việc triển khai, cho đến đánh giá hiệu quả làm việc của từng cá nhân.
Giám đốc Digital Marketing
Đây là một trong các vị trí quản lý cấp cao nhất mà một sinh viên Digital Marketing có thể hướng tới khi tự mình lập ra lộ trình sự nghiệp.
Đối với một nhân sự thông thường, với năng lực ổn cùng tinh thần cầu thị cao, các bạn có thể mất trung bình 10 đến 15 năm để có thể vươn tới vị trí này.
Không chỉ là về số năm công tác, bản thân Giám Đốc Marketing phải là người có vốn kiến thức sâu rộng về ngành tiếp thị, về công cụ tiếp thị cũng như tư duy tiếp thị tổng quan.
Bên cạnh đó, khả năng quản trị và xử lý mọi vấn đề của Giám đốc Marketing cũng phải được rèn giũa một cách bài bản.
Đây là vị trí chịu trách nhiệm về việc đưa ra chiến lược hoạt động Marketing vi mô và vĩ mô của doanh nghiệp. Cũng là vị trí quyết định đến sự thành bại của doanh nghiệp khi làm tiếp thị
Mức thu nhập của vị trí Digital Marketing
Hiện nay mức lương cho nhân viên Digital Marketing thuộc hàng tương đối cao trên thị trường.
Khoảng lương khá rộng, giao động từ 8 triệu đến hơn 30 triệu đồng một tháng. Mức lương này sẽ được quyết định dựa trên nhiều yếu tố như kinh nghiệm, quy mô doanh nghiệp, cấp bậc…
Trong bài viết này, Đức Lê Marketing sẽ chia làm 2 nhóm: lương theo lĩnh vực và lương theo cấp bậc.
Mức lương Digital Marketing theo vị trí
- Digital Marketing: Với lĩnh vực Marketing số nói chung, cấp bậc nhân viên có mức lương dao động trong khoảng từ từ 9.000.000 – 13.000.000 VNĐ. Nếu bạn có nhiều kỹ năng tốt phục vụ công việc, mức lương có thể lên tới 15.000.000 – 18.000.000 VNĐ
- SEO: Mức lương của nhân viên SEO ở khoảng từ 8.000.000 – 10.000.000 VNĐ, cao nhất có thể lên đến 20.000.000 VNĐ hoặc 30.000.000 VNĐ/tháng theo khối lượng công việc và mục tiêu KPIs được giao từ trên xuống.
- Content Marketing: Mức lương khởi điểm cho vị trí nhân viên nội dung này là từ 7.000.000 – 9.000.000 VNĐ/tháng, cao hơn có thể đạt đến 15.000.000 – 20.000.000 VNĐ/tháng.
- Performance – hay còn biết đến là nhân viên Quảng cáo có mức lương dao động 8.000.000 VNĐ – 12.000.000 VNĐ, nếu đã có kinh nghiệm trước đó ở cùng lĩnh vực, mức lương có thể lên tới 15.000.000 VNĐ hoặc cao hơn, thậm chí là không giới hạn nếu như bạn chịu trách nhiệm mang về doanh số quảng cáo mang về cho công ty.
- Social Media: Còn gọi là vị trí chuyên viên phụ trách các nền tảng mạng xã hội của doanh nghiệp. Vị trí này có mức lương dao động từ 7.000.000 – 15.000.000 VNĐ/tháng.
- E-Commerce: Các nhân viên thuộc lĩnh vực thương mại điện tử , liên quan đến công việc chăm sóc khách hàng, trực sàn, tối ưu kênh bán hàng online…hiện nay có mức lương từ 10.000.000 – 20.000.000 VNĐ/tháng.
Mức lương Digital Marketing theo cấp bậc
- Thực tập sinh – Sinh viên mới ra trường: Những bạn sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm sẽ nhận mức lương ban đầu khoảng từ 3.000.000 – 5.000.000 VNĐ và có cả các khoản thưởng khi đạt mục tiêu KPIs. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại không có hỗ trợ lương cứng mà chỉ có trợ cấp xăng xe điện thoại.
- Chuyên viên – Nhân viên có kinh nghiệm khoảng 1 năm trở lên sẽ có mức lương giao động từ 9.000.000 – 13.000.000 VNĐ. Ngoài lương cứng, các bạn chuyên viên Digital Marketing cũng có thể nhận thêm các khoản thưởng KPIs hiệu quả công việc.
- Quản lý – Trưởng nhóm hoặc trưởng phòng Digital Marketing: Với vị trí này, mức lương dao động từ 12.000.000 VNĐ – 20.000.000 VNĐ và khả năng đạt tới 40.000.000 VNĐ/tháng.
- Quản lý cấp cao – Các cấp bậc từ Phó Giám Đốc đến Giám Đốc Digital Marketing: Vị trí quản lý tầm trung sẽ có mức lương khoảng 30.000.000 VNĐ trở lên, thậm chí có thể lên tới 50.000.000 – 100.000.000 VNĐ/tháng.
Kết luận
Qua những chia sẻ trên đây của Đức Lê Marketing, hi vọng các bạn sinh viên học Digital Marketing có thể nắm được cơ bản về lộ trình thăng tiến trong sự nghiệp của mình cũng như những quyền lợi và nghĩa vụ mình sẽ đón nhận.
Nếu các bạn còn bất kỳ thắc mắc nào về chuyên ngành hoặc cần tư vấn thêm về lộ trình sự nghiệp, đừng ngại ngần gửi email đến Đức Lê Marketing nhé!
Bài viết liên quan
Chia sẻ mẫu kế hoạch truyền thông Mobile Marketing
Chia sẻ các mẫu Assignment môn Email Marketing tại FPT Polytechnic
1 Comment
Email Marketing là gì? Các bước lập kế hoạch tiếp thị qua email
Phân biệt Hard Bounce và Soft Bounce rate trong Email Marketing?