Một tâm lý rất chung của sinh viên Digital Marketing chưa có kinh nghiệm khi đi phỏng vấn là cảm thấy hồi hộp và lo lắng. Các bạn luôn cảm thấy bất an vì không biết nhà tuyển dụng sẽ hỏi những gì và mình có thể hiện tốt hay không. Tuy nhiên, các bạn không biết rằng tâm lý run sợ sẽ khiến cho kết quả của buổi phỏng vấn bị ảnh hưởng rất nhiều.
Nắm bắt được tâm lý này, Đức Lê Marketing chia sẻ tới bạn cách trả lời phỏng vấn vị trí Digital Marketing dành cho các sinh viên mới ra trường để các bạn thêm phần tự tin khi đi xin việc.
Những điều cần chuẩn bị khi đi phỏng vấn vào vị trí Digital Marketing
Hầu hết các bạn sinh viên sắp ra trường hoặc mới tốt nghiệp đều chủ động tìm đến các công việc Digital Marketing được ghi chú “không yêu cầu kinh nghiệm” hoặc “chấp nhận sinh viên mới ra trường”. Như vậy thì dù các bạn chưa có trải nghiệm làm việc tại bất kỳ đâu thì cũng không quá ảnh hưởng đến kết quả xin việc.
Các công ty cũng nắm được thiếu sót về kinh nghiệm của bạn, nên họ sẽ chủ động đặt các câu hỏi tình huống xoáy sâu vào tư duy và các kỹ năng mà bạn có. Do đó, bạn cần có sự chuẩn bị trước mọi thứ, đặc biệt là tâm lý để có thể tự tin chinh phục nhà tuyển dụng.
Dưới đây là những điều bạn cần chuẩn bị sẵn sàng trước khi bước vào vòng phỏng vấn:
Chuẩn bị tâm lý tự tin
Sự tự tin là yếu tố sống còn khi ứng viên cho vị trí Digital Marketing bước vào phòng phỏng vấn. Không một nhà tuyển dụng nào thích tuyển một người vừa thiếu kiến thức lại thiếu sự tự tin.
Phần lớn các ứng viên cảm thấy run sợ vì không biết điều gì đang đợi mình phía trước. Số đông khác lại sợ cảm giác bị nhà tuyển dụng từ chối.
Hãy nghĩ đơn giản rằng bạn đang đi tìm việc chứ không phải xin việc. Nếu cơ hội này không phù hợp, thì sẽ còn nhiều cơ hội khác đang đợi bạn. Nhà tuyển dụng cũng chỉ là đang đi tìm ứng viên phù hợp cho vị trí Digital Marketing, chứ không phải ứng viên giỏi nhất. Hai bên có thể nói là ngang hàng với nhau.
Do đó, hãy giữ cho tâm lý được thoải mái và tự tin. Hãy coi buổi phỏng vấn chỉ như một cuộc nói chuyện để 2 bên hiểu nhau hơn mà thôi.
Chuẩn bị thông tin
Khi có thông tin trong tay, bạn mới có thể tự tin đưa ra nội dung trao đổi.
Hãy đọc kỹ mô tả cũng như yêu cầu của công việc (JD) để chuẩn bị cho các câu hỏi như “Em nghĩ mình sẽ phải làm gì ở vị trí này”.
Nhiều nhà tuyển dụng có sở thích đặt ra câu hỏi về công ty để kiểm tra khả năng nghiên cứu tìm hiểu của ứng viên. Các sinh viên Digital Marketing cũng nên lưu ý đến điều này để thực hiện việc tìm tòi và ghi nhớ lại các thông tin cơ bản về doanh nghiệp như quy mô, lĩnh vực kinh doanh, thành tích, thương hiệu…
Đặc biệt là bạn cũng nên tìm hiểu về tình hình triển khai Digital Marketing của doanh nghiệp trên các kênh phổ biến như Facebook, Website, Email, … và đưa ra những nhận định cá nhân để có thể ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng
Ôn lại kiến thức chuyên ngành về Digital Marketing
Trong buổi phỏng vân, những câu hỏi chuyên môn chắc chắn sẽ được đưa ra cho các vị trí đặc thù. Trong nhiều trường hợp khác, nhà tuyển dụng cũng sẽ yêu cầu bạn làm một số bài test kiến thức nhỏ.
Ví dụ câu hỏi cho ứng viên Digital Marketing: Chạy quảng cáo mỗi ngày tiêu hết 10000. Có được 3000 lượt hiển thị. Tính số CPM?
Nếu như bạn đã nắm vững bản chất các kiến thức thì sẽ rất dễ dàng vượt qua các câu hỏi này
Liệt kê các lợi thế của bản thân so với các ứng viên khác
Trong mỗi vòng phỏng vấn, các công ty sẽ phải trao đổi với rất nhiều ứng viên khác nhau cho vị trí Digital Marketing.
Nhà tuyển dụng sẽ phải khai thác tối đa mỗi ứng viên để lựa chọn ra người phù hợp nhất.
Do đó, nếu chưa có kinh nghiệm cho vị trí Digital Marketing, bạn hãy tập trung vào khía cạnh mạnh nhất của bản thân để làm chính mình nổi bật hơn so với các ứng viên khác.
Ví dụ: Em từng học chuyên Toán và nhạy cảm với các số liệu. Các môn liên quan đến số học của em tại trường Đại học cũng đạt được điểm cao. Điều này khiến em tự tin hơn hơn khi làm việc với các công cụ quảng cáo yêu cầu theo dõi và bám sát về số liệu để cải thiện hiệu suất công việc.
Tìm và tập trả lời câu hỏi phỏng vấn
Hãy đọc trước các bộ câu hỏi phỏng vấn có sẵn dành cho vị trí Digital Marketing trên mạng.
Đây đều là những câu hỏi không quá khó để trả lời. Tuy nhiên với các ứng viên chưa có sự chuẩn bị từ trước cũng sẽ bị lúng túng khi đối mặt với các câu hỏi này một cách bất ngờ.
Nếu bạn là độc giả của Blog Đức Lê Marketing, bạn có thể gửi thông tin qua email levanduc.ftu@gmail.com để tôi có thể sắp xếp cho bạn một buổi phỏng vấn thử nghiệm trong vòng 15 phút hoàn toàn miễn phí với các vị trí Seo / Ads / Content / Designer… cho team Digital Marketing.
Lựa chọn trang phục phù hợp
Quá cầu kỳ trong trang phục phỏng vấn sẽ làm bạn áp lực hơn, còn quá sơ sài sẽ khiến nhà tuyển dụng đánh giá rằng bạn không đủ chuyên nghiệp.
Hãy chuẩn bị trang phục phỏng vấn lịch sự, nhẹ nhàng, gọn gàng.
Cách trả lời các câu hỏi phỏng vấn tại vị trí Digital Marketing
Ngoài những đầu việc cần chuẩn bị trước ngày gặp mặt, thì các sinh viên Digital Marketing cũng cần nắm được cách để trả lời vấn đáp trong chính buổi phỏng vấn.
Lắng nghe và hiểu chắc câu hỏi
Có thể nhà tuyển dụng có thể đặt cho bạn câu hỏi bằng Tiếng Anh hoặc Tiếng Việt. Cũng có thể họ sẽ đưa ra một tình huống hoặc một bài toán cần bạn đưa ra lời giải.
Hãy lắng nghe và nắm thật chắc mọi dữ liệu được đưa ra trong các câu hỏi.
Tưởng như đây là việc đơn giản nhưng trong quá trình phỏng vấn, Đức Lê Marketing đã gặp rất nhiều ứng viên không hiểu bản chất câu hỏi, do các bạn chủ quan không nghe kỹ. Khi đó, phía công ty sẽ đánh giá khá tiêu cực về thái độ của bạn.
Đừng quên mạnh dạn hỏi lại nếu bạn chưa nghe kỹ , hoặc yêu cầu nhà tuyển dụng giải thích câu hỏi một cách dễ hiểu hơn.
Suy nghĩ thật kỹ trước khi trả lời
Rất nhiều sinh viên Digital Marketing chưa có kinh nghiệm đi phỏng vấn bị đánh giá là “lanh chanh”, “cầm đèn chạy trước oto”… do chưa suy nghĩ kỹ hoặc chưa nghe hết câu hỏi đã vội vàng trả lời.
Dù là bạn có chuẩn bị cho mọi tình huống từ trước nhưng không có nghĩa bạn sẽ trúng tủ 100% như khi đi thi. Sẽ có rất nhiều câu hỏi tình huống được nhà tuyển dụng liên tục đưa ra dựa trên tình hình thực tế các câu trả lời của bạn.
Cần giữ bình tĩnh và suy nghĩ về đáp án, đồng thời sắp xếp các ý lại một cách mạch lạc có trình tự rõ ràng. Trong trường hợp chưa đưa ra được câu trả lời ngay lập tức, ứng viên cho vị trí Digital Marketing hoàn toàn có thể đề xuất xin thêm thời gian để suy nghĩ.
Trình bày câu trả lời đúng trọng tâm
Lan man là lỗi mà rất nhiều sinh viên Digital Marketing khi mới ra trường gặp phải khi đi xin việc.
Có thể do bản thân các bạn đã bị rối với câu hỏi và chưa thể sắp xếp lại các mạch ý theo trình tự. Cũng có thể do các bạn mong muốn được giãi bày với nhà tuyển dụng các thông tin về bản thân nên cố nhồi nhét các dữ liệu bên lề vào câu trả lời.
Điều này sẽ khiến cho phía công ty phải đặt câu hỏi lớn, là liệu khi giao việc thì ứng viên có thể tập trung hoàn thành trong thời gian sớm nhất hay không?
Hãy tập trung vào trọng tâm của câu hỏi. Nếu như tuyển dụng hỏi bạn có làm được việc này hay việc kia hay không thì chỉ cần trả lời có hoặc không. Không cần thiết phải giải thích quá dài dòng, không có ý chính.
Chia sẻ kinh nghiệm liên quan
Nhà tuyển dụng đã chuẩn bị trước tinh thần rằng ứng viên của họ không có hoặc ít kinh nghiệm đi làm tại vị trí ứng tuyển.
Tuy nhiên, nếu sinh viên đã từng trải qua các đầu việc dù là nhỏ nhất có liên quan ít nhiều đến vị trí Digital Marketing thì sẽ là điểm cộng không nhỏ.
Ví dụ: Nếu bạn xin vào vị trí nhân viên content và bạn đã từng trực fanpage, cộng tác viên cho báo, tự làm một kênh vlog… thì đừng ngần ngại chia sẻ cho nhà tuyển dụng biết.
Ngoài ra , các bạn cũng nên mạnh dạn chia sẻ về các hoạt động ngoại khoá đã từng tham gia trong giai đoạn Đại học / Cao đẳng. Ví dụ bạn đã từng tham gia vào các câu lạc bộ chuyên môn Marketing và Kinh Doanh. Tại đây bạn học được điều gì, những kỹ năng nào bạn lĩnh hội, tư duy bạn đã được cải thiện ra sao…
Thể hiện các điểm mạnh và các kỹ năng tích luỹ được trong học tập
Khi bạn ứng tuyển vào các vị trí cần chuyên môn cao như nhân viên quản lý Email Marketing, nhân viên SEO, nhân viên chạy quảng cáo Facebook… thì bạn cần thể hiện được ra trình độ của bản thân.
Hiện nay sinh viên tại các trường đại học / cao đẳng khi theo học bộ môn Digital Marketing đều sẽ được đào tạo về tư duy cũng như cách sử dụng các công cụ hỗ trợ tiếp thị trong các môn học. Bạn có thể chia sẻ kết quả các môn học có liên quan tới vị trí ứng tuyển tới nhà tuyển dụng.
Ví dụ: Như anh chị có thể thấy trong CV, em tốt nghiệp chuyên ngành Thương Mại Điện Tử tại trường FPT Polytechnic với kết quả đạt loại Giỏi. Ngoài ra em đạt được điểm số cao trong các môn liên quan đến sáng tạo nội dung như trong bảng điểm đính kèm. Em tự tin có thể nhanh chóng bắt đầu tại vị trí chuyên viên Digital Marketing quản lý kênh mạng xã hội cho công ty.
Thể hiện tinh thần cầu tiến
Nhà tuyển dụng rất chú trọng đến độ “máu lửa” và quyết tâm của các ứng viên Digital Marketing chưa có kinh nghiệm.
Các sinh viên chưa có kinh nghiệm nên cố gắng thể hiện sự tự tin và mang lại nguồn năng lượng mới cho phía công ty.
Ngoài ra các bạn cũng nên bày tỏ quan điểm sẵn sàng nhận việc, không ngại khó khăn thử thách. Trong nhiều trường hợp nhà tuyển dụng sẽ đặt ra các tình huống cần bạn lăn xả cống hiến. Đừng ngại ngần đối mặt nhé.
Đưa ra lộ trình của bản thân
Nhiều người cho rằng ngay cả những ứng viên có kinh nghiệm, những người đã đi làm nhiều năm chưa chắc đã xác định được mục tiêu nghề nghiệp của mình, đâu riêng mình các sinh viên mới ra trường. Tuy nhiên, trong vòng phỏng vấn, hơn 80% các nhà tuyển dụng đặc biệt quan tâm tới mục tiêu, định hướng, kế hoạch sự nghiệp và cả kế hoạch về cuộc sống cá nhân cửa ứng viên..
Một đặc điểm, thậm chí là định kiến của nhiều nhà tuyển dụng với sinh viên Digital Marketing mới ra trường là dễ nhảy việc, nhanh thấy nhàm chán. Đó cũng là nguy cơ cho doanh nghiệp khi tuyển và đào tạo bạn nhưng bạn có thể nghỉ bất cứ lúc nào vì “mục tiêu không phù hợp”.
Khi trả lời cho câu hỏi phỏng vấn về mục tiêu hoặc về định hướng chuyên môn, bạn hãy rõ ràng rằng trong ngắn và trung hạn bạn muốn đạt được gì, bạn cũng sẽ cam kết làm việc được ít nhất trong thời gian bao lâu và đóng góp những gì cho công ty.
Đặt ngược lại câu hỏi cho nhà tuyển dụng
Trong mọi quy trình phỏng vấn tuyển dụng, phía công ty đều nhường phần sau cùng để các ứng viên có thể đặt ngược lại câu hỏi. Từ đây, các nhà tuyển dụng sẽ đánh giá được các bạn có phải là người giỏi đặt vấn đề hay không.
Trong trường hợp bạn là sinh viên Digital Marketing mới ra trường và chưa có kinh nghiệm, bạn có thể đặt câu hỏi theo các hướng sau:
- Hỏi về quy trình tuyển dụng: các câu hỏi có thể là “khi nào em sẽ nhận được kết quả” , “lúc nào sẽ diễn ra vòng tiếp theo”, “các anh chị có thể đưa ra giúp em các đánh giá về bản thân để em có thể cải thiện hơn được không ạ”….
- Hỏi về lộ trình sự nghiệp: gồm các câu hỏi “Quản lý trực tiếp của em là ai “, “Sau một thời gian cống hiến em có thể lên được cấp bậc nào tiếp theo”, “Có cơ chế khen thưởng nào đặc biệt dành cho các nhân viên có thành tích xuất sắc hay không?”…
- Hỏi về các quy định của công ty: “Thời gian làm việc của công ty bắt đầu và kết thúc lúc nào”, “tiêu chuẩn đồng phục của công ty là gì”, “em có được hỗ trợ về trang thiết bị nào khi làm việc tại công ty hay không”…
Kết luận
Trên đây là cách trả lời phỏng vấn dành cho ứng viên Digital Marketing mới ra trường và chưa có kinh nghiệm được Đức Lê Marketing đúc kết sau nhiều năm làm việc .
Hi vọng bài viết cung cấp được cho các bạn những kiến thức hữu ích trong chặng đường sự nghiệp sắp tới.
Nếu có bất kỳ câu hỏi thắc mắc nào về chuyên môn Marketing hoặc cần nhận thêm tư vấn về lộ trình sự nghiệp, các bạn đừng ngại ngần gửi email tới Đức Lê Marketing để sớm nhận được câu trả lời nhé!
Bài viết liên quan
Các nguyên tắc tạo nên tiêu đề Email Marketing thu hút
1 Comment
A/B testing là gì? Giải thích định nghĩa và các bước triển khai
Chia sẻ mẫu CV Digital Marketing miễn phí bằng Powerpoint – DLM0001
Xây dựng networking là gì? Tầm quan trọng của networking trong Digital Marketing